The Story Of My Body

Phạm Trung Hiếu

  • CREDIT TEAM
  • Creative Director & Photo: Trung Hiếu The Story Of My Body-Ky Duyen Art Director: Team Gúp (Phạm Tuấn Kiệt, Thân Thị Như Tâm, Tuệ Minh, Hà My, Kim Nga, Trung Hiếu) Stylist: Phạm Tuấn Kiệt, Kim Nga Costume: Das.Lavie Contents creator: Minh Dương Producer: Team Gúp

The Body
Of Art
Beauty in
All Its Forms

Ô PHOTOGRAPHY CONTEST
2023

ý Nghĩa

THE STORY OF MY BODY Bốn tuổi - cái tuổi mà khi ta trưởng thành và nhìn lại, hầu hết chỉ còn là những kí ức mơ hồ, phai nhạt. Nhưng với riêng một cô gái, đó lại là thời điểm của một biến cố đã in chặt vào tâm trí. Nhà có giỗ. Điện cúp. Đứa trẻ chạy nhảy vui đùa, nhượng chân chạm vào thành nồi cháo gà đặt dưới đất. Những tiếng hét thất thanh dường như hoà lẫn, không còn nhận ra là từ đứa trẻ ấy, hay là từ những người xung quanh. Người cha tay không bế đứa trẻ lên từ nồi cháo nóng. Thau nước lạnh đặt ở sau nhà. Đứa trẻ ấy được cha cởi từng mảnh quần áo, giờ đây cũng chính là từng mảng da thịt đã bám chặt vào sợi vải. Tiếng còi xe cấp cứu vang vọng. Đứa trẻ được sơ cứu, truyền nước, trấn an rồi chuyển thẳng lên bệnh viện Nhi Đồng. Lần đầu tiên đứa trẻ đặt chân đến Sài Gòn phồn hoa, lại chính là trong tình trạng ngặt nghèo như thế. 75% diện tích cơ thể của đứa trẻ ấy (bao gồm mặt sau từ nách đến nhượng chân, phần trước gồm hai bên đùi, hai bên eo và một cánh tay) đã không còn nguyên vẹn. Thay băng là thứ đáng sợ nhất đứa trẻ phải đối mặt hằng ngày. Băng ca lạnh lẽo. Hai y tá cộng thêm hai người giữ chặt. Tiếng kéo sắc lẹm, khô khốc. Một đường thẳng được rạch ra, băng ra khỏi vết thương đang rỉ nước - nhanh như một tia sét. Tiếng thét trong nước mắt của cả đứa trẻ và người mẹ đứng ngoài cứ thế tuôn. Đứa trẻ thầm gọi tên những người thân mà cô có thể nhớ, như van nài sao mọi người không đến cứu con. “Cô y tá làm con đau lắm, cô ấy là quái vật” - dù quái vật chỉ đang làm công việc của mình. Quái vật đang cứu cô khỏi địa ngục. Sau tất cả những điều mà đứa trẻ bốn tuổi đã quên, cô gái ấy lại nhớ rõ nhất cảm giác về quãng thời gian trong bệnh viện. Hầu hết thời gian, đứa trẻ chỉ nằm một mình trong phòng cách li vô khuẩn, với những giờ thăm cố định. Trong khoảng thời gian này mẹ cô kể rằng, mỗi lần đến thăm, mẹ lại nghe những mẩu chuyện nhỏ bé ngây thơ của cô. Rằng mỗi khi đứa trẻ ấy cảm thấy đau đớn, bác sĩ lại tiêm một loại thuốc thần kì mà bác gọi là phép tiên. Phép tiên ấy có màu vàng, phép tiên làm đứa trẻ thấy dễ chịu, rồi mơ màng chìm vào giấc ngủ. Và cứ như thế, đứa trẻ lúc tỉnh lúc mơ nằm trong căn phòng ấy tròn một tháng. Tiếp đến là những những tháng ngày ám ảnh tâm lí hậu sang chấn, khiến đứa trẻ trở nên lầm lì, không thích nói chuyện. Gật đầu và lắc đầu trước những câu hỏi của người lớn là cách thường xuyên mà đứa trẻ ấy sử dụng để giao tiếp. Sáu tuổi, vào cấp 1, đi học bị bắt nạt. ”Con cháo vịt”. “Đừng chơi với nó, bị lây đó.” Đứa trẻ luôn mặc áo tay dài, mặc kệ thời tiết… Thầy cô, người lớn không thật sự quá để tâm đến những điều này. Có vẻ với họ đó chỉ là chuyện “trẻ con trêu đùa”. Nhưng cô chưa bao giờ quên cảm giác của mình khi đó. Có rất nhiều chuyện để kể vào thời gian này. Nhưng dù chuyện đã xảy ra thế nào và sẽ còn tiếp tục đi chăng nữa, cô không còn thật sự quan tâm. Cô vẫn cứ vậy lớn lên, trưởng thành và dần lấy lại cho mình sự tự tin. Thời gian thoáng chốc trôi, sau 17 năm với tất cả những dư chấn để lại, cô gái ấy đã 21 tuổi, vẫn yêu cơ thể mình - với tất cả những vết thẹo còn hiện hữu, chấp nhận nó như một phần bản thân. Và cô ấy sẽ không có ý định phẫu thuật thẩm mĩ để xoá đi “bằng chứng” rằng cô đã mạnh mẽ đến thế nào.

4
Votes